banner

Cách phòng bệnh đốm trắng trong mùa lũ

Ngày: (30-12-2017 - 09:37 AM) - Lượt xem: 2176

Thời tiết là một trong những yêu tố quan trọng và luôn đồng hành cùng với bà con nuôi tôm trong suốt vụ mùa. Vào những tháng cuối năm, mưa nhiều kèm theo bão lớn gây thiệt hại không nhỏ đến với người dân nuôi tôm ở miền Trung cũng như ảnh hưởng trên diện rộng ở khu vực ĐBSCL.

Thời tiết là một trong những yêu tố quan trọng và luôn đồng hành cùng với bà con nuôi tôm trong suốt vụ mùa. Vào những tháng cuối năm, mưa nhiều kèm theo bão lớn gây thiệt hại không nhỏ đến với người dân nuôi tôm ở miền Trung cũng như ảnh hưởng trên diện rộng ở khu vực ĐBSCL. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bà con nuôi tôm đã mạnh dạn học hỏi, cải tiến và ứng dụng các quy trình kỹ thuật mới trong việc nuôi tôm theo từng mùa vụ.

 

Với thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, mưa kéo dài trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, tăng nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng (WSSV- white spot syndrome virus) do virus Whispovirus gây ra trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Tôm bơi lội lờ đờ trên mặt nước hoặc dạt vào bờ hay tôm đột ngột tăng cường độ bắt mồi, sau đó bỏ ăn là những dấu hiệu dễ nhận ra khi bệnh đốm trắng bùng phát. Dễ dàng quan sát được ở trên giáp đầu ngực có nhiều đốm tròn màu trắng, đường kính 0,5 - 2 mm, xuất hiện ở đốt bụng thứ 5 và 6 hoặc khi đã bệnh đã nặng trên toàn thân tôm; trong một số trường hợp, tôm có thể bị đỏ thân. Sau khi các đốm trắng xuất hiện từ 3 - 10 ngày, tôm bắt đầu chết; tỷ lệ chết lên đến 100%. Nếu soi mẫu tươi dưới kính hiển vi, bên trong các đốm trắng có nhiều điểm đen do sắc tố melanin hình thành. Bệnh đốm trắng thường gặp trong 2 tháng đầu tiên của vụ nuôi, xuất hiện vào mùa lạnh hoặc mưa nhiều, đặc biệt khi nhiệt độ nước, độ mặn giảm đột ngột.

Để đảm bảo vụ mùa của bà con được thuận lợi và phòng tránh được bệnh đốm trắng trong mùa mưa lạnh, cần áp dụng những biện pháp phòng bệnh hiệu quả bắt đầu với việc xét nghiệm giống đã sạch bệnh (không nhiễm WSSV) bằng phương pháp PCR trước khi thả. Tắm cho tôm giống bằng formol 100 ppm trong 30 phút, quan sát và loại bỏ những con yếu, bị lắng tụ khi khuấy đảo bể tắm tôm. Luôn theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm, người nuôi tôm cần quan sát: tôm và phân tôm trong sàng cho ăn, hoạt động bơi lội, bắt mồi của tôm trong ao và ghi chép đầy đủ thông tin, nhận định vào Nhật ký nuôi tôm. Đây là những thông tin quan trọng giúp người hỗ trợ kỹ thuật có thể xem xét và đưa ra giải pháp hiệu quả khi xảy ra sự cố hoặc giúp tổng kết, rút kinh nghiệm để vụ nuôi sau được tốt hơn. Từ ngày nuôi thứ 40 - 50 trở đi, định kỳ 5 - 7 ngày/lần chài tôm để kiểm tra màu sắc, sức khỏe cũng như mật độ nuôi; đánh giá tốc độ tăng trưởng của tôm để có những biện pháp điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Khi thấy các biểu hiện bất thường như tôm chậm bắt mồi hoặc bỏ ăn, rớt trong nhá, dạt bờ, nổi đầu, cơ thể bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc, đường ruột đứt đoạn hoặc rỗng, tuyến gan tụy có màu sắc hình dạng không bình thường thì cần thực hiện:

+ Lặn kiểm tra tỷ lệ tôm chết ở đáy. Nếu tỷ lệ này đã ở mức 25 - 30% thì nên thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại.

+ Trường hợp hao hụt chỉ mới lác đác hoặc ở mức vài phần trăm, cần chài tôm thu mẫu quan sát thêm. Dựa vào mô tả triệu chứng các loại bệnh thường gặp để phán đoán và tham khảo hướng giải quyết. Liên hệ ngay với cán bộ kỹ thuật hoặc cơ quan quản lý dịch bệnh thủy sản tại địa phương để được tư vấn thêm.

Bà con cần kết hợp với việc quản lý và kiểm tra chặt chẽ chất lượng nước với việc chạy quạt thường xuyên để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan cao trong ao nuôi. Ngay từ khi cải tạo ao, luôn luôn có ít nhất một giàn quạt vận hành tại bất cứ thời điểm nào. Ví dụ: với một ao nuôi chuẩn (3.000 - 3.500 m2) có 4 giàn quạt thì luân phiên vận hành liên tục 1 giàn quạt trong tháng nuôi thứ nhất, 2 giàn trong tháng nuôi thứ 2 và cả 4 giàn từ tháng nuôi thứ 3 trở đi. Các thời điểm cần vận hành 100% công suất của hệ thống quạt nước 14h - 16h chiều và từ 21h đêm đến 4h sáng hôm sau. Sử dụng chế phẩm vi sinh nuôi tăng sinh tại trại liên tục trong thời gian nuôi để giữ cho chất lượng nước được tốt (NH3 và NO2- thấp, pH ổn định). Biện pháp kỹ thuật này giúp giảm chi phí sử dụng vi sinh và đã đem lại hiệu quả tốt cho nhiều cơ sở nuôi tôm, đặc biệt là với điều kiện mưa nhiều và lạnh vào những tháng cuối năm.

Skretting luôn đồng hành cùng bà con nuôi tôm và mong muốn khách hàng có những vụ mùa thành công. Cùng với những chia sẽ kỹ thuật, hy vọng sẽ giúp bà con giải đáp những thắc mắc và có nhiều thông tin trong việc xử lý dịch bệnh cũng như đưa ra những biện pháp phòng bệnh phù hợp trong giai đoạn thời tiết khó khăn.

 

0908 66 77 22