QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO
Ngày: (12-10-2024 - 04:02 PM) - Lượt xem: 29
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO (NUÔI TÔM 2 GIAI ĐOẠN)
Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 02 giai đoạn được áp dụng từ nhiều năm trước đã khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi 01 giai đoạn.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO (NUÔI TÔM 2 GIAI ĐOẠN)
Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 02 giai đoạn được áp dụng từ nhiều năm trước đã khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi 01 giai đoạn.
Giải pháp kỹ thuật này những năm gần đây được phát triển ở mức cao hơn, đặc biệt khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển đến mức thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao, mục đích nhằm rút ngắn thời gian nuôi, nâng mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí.
Mục đích của nuôi tôm hai giai đoạn là tăng sản lượng rất đáng kể (vì nuôi mật độ từ vài trăm đến ngàn con/m2; hạn chế dịch bệnh EMS; rút ngắn thời gian nuôi (ương và san thành nhiều ao); giảm chi phí, giá thành (nhiên liệu, vật tư đầu vào, nhân lực…); giảm áp lực về môi trường nước mặt ô nhiễm do thâm canh.
GIAI ĐOẠN 1 - GIAI ĐOẠN ƯƠNG
I. Chuẩn bị hệ thống ao ương:
1. Ao lắng thô:
Ao lắng thô lấy nước từ mương cấp qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để trữ nước. Khi bơm nước vào, nước được xử lý bằng Vimekon với liều lượng 2ppm (2kg/1.000m3 nước, Vimekon được pha sẵn trong một cái bồn và được sã qua một ống nước nhỏ ø21 để diệt khuẩn làm trong nước, bên cạnh đó, nước cũng được xử lý bằng Cap 2000: 2ppm ( 2l/1.000m3 nước) được pha trong một cái bồn và được xả qua một ống nước nhỏ ø21 để làm lắng tụ các chất phù sa, hữu cơ và kết tủa kim loại nặng, giảm độ nhớt của nước. Trong ao lắng thô có 3-4 dãy ngăn cách lớn, hai trong số các dãy đó được chia thành nhiều ô nhỏ.
Mục đích của việc chia thành nhiều ô nhỏ như sau:
Một ô được thiết kế cho nước đi loàng ở phần đáy, một ô được thiết kế để nước chảy tràn qua và các ô này xen kẻ nhau.
Nước được bơm mạnh tạo dòng chảy trôi ở đáy ao rôi lên trên mặt như những con sóng làm các vật chất lơ lửng thì không được chảy tràn qua ô kế bên, các kim loại nặng được lắng tụ dưới đáy ao thì không chảy qua được ô kế cạnh và được thiết kế nhiều ô sẽ làm nước sạch từ từ khi qua các dãy khác thì nước tương đối trong và sạch.
Ao lắng thô được bố trí cạnh mương cấp nước; có độ sâu từ 2-3m (tùy điều kiện thổ nhưỡng) và diện tích chiếm khoảng 20% tổng diện tích khu nuôi.
2. Ao lắng sẵn sàng:
Ao lắng sẵn sàng (áo lắng tinh): lấy nước từ ao lắng thô đã được xử lý qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, khi nước bơm qua từ ao lắng thô thì được xử lý bằng Chlorine 30ppm ( 30kg/1.000m3 nước) và được pha trong trong một cái bể và xả qua bằng một ống nước nhỏ ø21. Khi đó nếu còn sót lại ấu trùng tôm, cua, giáp xác thì ở ao lắng sẵn sàng đã xử lý triệt để… bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp.
Ao lắng sẵn sàng được bố trí cạnh ao lắng thô, được lót bạt (nếu có điều kiện), có diện tích và độ sâu như ao lắng thô, được đặt cạnh ao ương và ao nuôi để vận chuyển nước được thuận tiện.
3. Ao ương:
Ao ương được bố trí cạnh ao lắng sẵn sàng; có độ sâu từ 1,2-1,5m (tùy điều kiện thổ nhưỡng); đáy ao được thiết kế bằng mặt bờ của ao nuôi; có hệ thống ống sang tôm, hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt nước, hệ thống lưới che; được lót bạt đáy và bạt bờ; diện tích chiếm khoảng 5% tổng diện tích ao nuôi hoặc 10% của 01 ao nuôi.
Ao ương được thiết kế hình chữ nhật, hình vuông hay hình tròn tùy điều kiện của mỗi trại, và được thiết kế dạng ao nổi.
* Ưu điểm của nuôi tôm trên ao nổi: So với những ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích thông thường từ 2.000-5.000m2, ao nuôi tròn có diện tích nhỏ mang nhiều ưu điểm.
Do diện tích ao nhỏ, nên việc thu gom chất thải vào giữa bằng tác động của máy quạt nước rất hiệu quả, việc loại bỏ chất thải ra khỏi ao được thực hiện dễ dàng nền đáy được kiểm soát trong suốt vụ nuôi, giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc.
Quan trọng nhất là giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường. Do không mất nhiều thời gian cải tạo ao cũng như cho ao nghỉ nên mỗi năm có thể nuôi 3 vụ.
Diện tích ao ương: từ 100m2-500m2, độ sâu 0.8-1m, ao được lót bạt có hố xiphong ở giữa và hệ thống oxy đáy, có máy che và rào lưới xung quanh để giảm nhiệt độ và ổn định môi trường nước, tảo được khống chế, không có nước mưa trong suốt quá trình ương.
Nước đã xử lý được 2-3 ngày từ ao sẵn sàng bơm qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp được bơm vào ao ương. Kiểm tra hàm lượng Chlorine trong ao ương không còn Chlorine nữa thì tiến hành gây màu tạo thức ăn tự nhiên và tảo:
II. Chọn giống:
1. Chọn con giống:
Ở các công ty hoặc các cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Có thể chọn bằng cảm quan hoặc qua xét nghiệm.
Tốt nhất là nên đi xét nghiệm để đảm bảo chất lượng, kiểm tra: tôm không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy cấp tính (EMS), đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), virus làm cho tôm bị còi, không lớn (MBV, HPV), hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHNV), EHP (Vi bào tử trùng)
2. Thả giống:
Thả giống với mật độ 700-2.000Pl/m3 nước, chạy quạt trước khi thả giống khoảng 6 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan đạt 5 mg/l trở lên.
Trước khi thả tôm 15 phút: dùng Vime-Yucca 100ml-500ml/bể ương từ 100-500m3 nước.
Ngâm bao tôm trong ao ương khoảng 30 phút rồi thả, thả lúc sáng sớm hoặc chiều mát và theo hướng trên gió để tôm khỏe, tránh bị sốc.
III. Chăm sóc và quản lý
1. Cho ăn:
Thức ăn tính trên 100.000 Pl12. Cho ăn mỗi ngày 05 lần: sáng 6h30, 9h30, trưa 12h30, 15h30, chiều tối 18h30, mỗi cử cho ăn 40g, tổng 200g. Trong 05 ngày đầu mỗi ngày tăng 100g, 5 ngày kế tiếp mỗi ngày tăng 200g. Từ ngày 11-15, mỗi ngày tăng 300g. Khi tôm ăn được thức ăn nổi số 2 thì trộn thêm:
Sáng 6h30: Organic 5g+ Elecamin 5ml/kg thức ăn
Sáng 9h30: Lactozyme 10g+ Betazyme 5g/kg thức ăn.
Trưa 12h30: Hepatic 5ml + Vitamin C Antistress 5g/kg thức ăn.
Chiều 15h30: Vime-Aquazyme 5g + Vimekat 5ml/kg thức ăn.
Tối 6h30: Can-xi-phot 10ml+ Probisol 5g/kg thức ăn.
Lượng thức ăn hàng ngày theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cuối mỗi ngày, nên kiểm tra lại lượng thức ăn trong ao ương có dư thừa không, nếu có rút xả đáy để đảm bảo nền đáy sạch không ảnh hưởng đến môi trường ao ương.
2. Quản lý môi trường và sức khỏe tôm nuôi:
Kiểm tra pH, độ trong 2 lần/ngày vào lúc 7h và 15h, kiểm tra độ kiềm, NH3 ngày/lần để điều chỉnh cho phù hợp.
Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng, do đó nên duy trì độ kiềm 120 mg/l trở lên bằng cách sử dụng:
Đối với ao <200m2: 1-15 ngày, mỗi ngày tạt 300-500g Khoáng tạt, 15-25 ngày tuổi, mỗi ngày tạt 500-1000g Khoáng tạt, cách 03 ngày/lần tạt thêm Elecamin 0,5/1.000m3 nước.
Đối với ao > 200m2: 1-15 ngày, mỗi ngày tạt 500g-1.000g Khoáng tạt, 15-25 ngày tuổi, mỗi ngày tạt 1.000g-1.500g Khoáng tạt, cách 03 ngày/lần tạt thêm Elecamin 0,7l/1.000m3 nước.
Trong giai đoạn này, hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.
Nếu kiểm tra thấy tôm bị cong thân hay đục cơ thì bổ sung thêm: Kali 500g, Mg 200g( nếu kiểm tra thấy thiếu), Elecamin 0,3-0,5l.
Định kỳ 7-10 ngày/lần cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao ương: Vime-Bitech hoặc Vime-Subtyl 300-500g ủ với 2kg mật rỉ đường + 40l nước ao ương rồi ủ khoảng 4-6h rồi tạt xuống ao ương.
Khi cần châm nước thêm thì lấy nước từ ao lắng đã xử lý Chlorine liều 30 kg/1.000m3 (kiểm tra hết dư lượng Chlorine) bơm vào ao ương (qua túi lọc).
II. GIAI ĐOẠN II-GIAI ĐOẠN NUÔI TÔM THƯƠNG PHẨM
1. Thiết kế hệ thống khu nuôi:
Khu nuôi được thiết kế như hình 1, gồm: 01 ao lắng thô, 01 ao lắng tinh, 01 ao ương, 02 ao nuôi, 01 mương cấp nước, 01 mương xả nước, khu chứa nước thải và các công trình phụ trợ.
Diện tích mỗi ao nuôi 1.000- 2.000 m2/ao, độ sâu từ 1,2-1,6m và bờ ao tối thiểu cao hơn mặt nước 0,5m. Ao nuôi có cống cấp, thoát nước riêng biệt, được lót bạt đáy và bờ chắc chắn.
Ao chứa lắng để trữ nước và xử lý nước trước khi cấp cho các ao nuôi, diện tích bằng 50-70% diện tích khu ao nuôi.
Quạt nước, máy thổi cung cấp khí đáy ao được bố trí hợp lý, tạo dòng chảy trong ao, đảm bảo lượng oxy hòa tan trong nước luôn duy trì >4 mg/l.
2. Kỹ thuật nuôi tôm thương phẩm:
a. Chuẩn bị ao nuôi:
Hệ thống quạt nước: được đặt cách bờ ao từ 1,5-2,0m; khoảng cách giữa 02 bộ cánh quạt từ 50-60cm, lá quạt giữa các bộ cánh quạt được lắp so le. Số lượng quạt phụ thuộc vào mật độ nuôi, chủng loại quạt.
Ao cũ: sau khi thu hoạch tôm xong, rút sạch nước, phơi ao khô 24h sau đó dùng Kill-Algae 2l/1.000m2 phun lên hết bạt ao nuôi để cho rong, tảo bám vào bạt bị tiêu diệt hêt, phơi khô 3-5 ngày.
Ao mới và ao cũ: Tiến hành vệ sinh, khử trùng bạt bằng đá vôi Ca0 pha với nước tạt toàn bộ bạt lót, liều lượng 10-15kg/1.000m2.
Sau khi vệ sinh xong, lấy nước từ ao lắng sẵn sàng (ao lắng tinh) qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để nuôi tôm thương phẩm.
b. Gây màu:
Gây màu: Sau khi lấy nước đầy ao theo yêu cầu kỹ thuật thì tiến hành gây màu nước trước khi san tôm từ ao ương ra nuôi, dùng Vime-Bitech hoặc Vime-Subtyl: 1kg ủ với 5kg mật rỉ đường + 100 lít nước ao nuôi, rồi ủ khoảng 4-6h rồi tạt xuống ao nuôi đã được vận hành hệ thống oxy đáy, quạt và tạo dòng chảy.
Sau khi ương được 25-30 ngày, tôm có trọng lượng khoảng 1gram được đưa vào ao nuôi tiếp giai đoạn 2.
Lưu ý: khi san tôm cần kiểm tra sức khỏe tôm kỹ càng, tôm khỏe mạnh, không trong chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe, tôm không bị cong, đục thân khi nhấc sàn ăn lên. Trước khi san tôm, để tôm không bị sốc, hao đầu con nên dùng Anti-Shock 300-500g/ bể ương.
Nước trong ao nuôi được chuẩn bị kỹ đảm bảo các chỉ tiêu môi trường nằm trong khoảng thích hợp và ổn định.
Đặc biệt trước khi san tôm cần kiểm tra môi trường giữa ao ương và ao nuôi, các chỉ tiêu như pH, độ kiềm, nhiệt độ… chênh lệch không quá lớn tránh gây sốc cho tôm, ao nuôi khi san tôm dùng Anti-Shock 1-2kg/ 1.000m3 nước để tôm không bị sốc, ít hao đầu con.
Mật độ nuôi tôm thịt: từ 100-300 con/m3 nước.
Có thể san tôm bằng nhiều cách:
San tôm bằng cách mở cống, ống thông: giữa ao ương và ao nuôi có sự chênh lệch độ sâu nên khi mở cống hoặc ống thông nhau tôm sẽ được chuyển sang ao nuôi có diện tích lớn hơn để nuôi tiếp giai đoạn 2.
San tôm bằng lưới kéo hoặc chài: san lúc trời mát và kéo dài trong vài ngày, thuận lợi trong phương pháp này là định lượng được số tôm san qua ao nuôi, có thể dùng 1 ao ương san cho nhiều ao nuôi.
3. Quản lý môi trường và sức khỏe tôm nuôi:
a. Cho ăn:
Khi chuyển tôm qua giai đoạn hai, cho tôm ăn hoàn toàn bằng máy tự động và điều chỉnh lượng thức ăn qua sàn ăn (01 ao 2.000 m2, bố trí 3-4 sàn ăn).
Thức ăn: thức ăn công nghiệp dạng viên đã có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thường xuyên kiểm tra sàn ăn (1 giờ/lần) để cài đặt thời gian cho ăn thích hợp tại máy cho ăn tự động.
Mỗi ngày cho tôm ăn 04 lần vào các thời điểm:
+ Sáng 6-7h: Organic 5g+ Vimekat 5ml/kg thức ăn.
+ Sáng 10-11h: Probisol 5g+ Phylus 5g/kg thức ăn.
+ Trưa 14h-15h: Hepatic 5ml + Elecamin 5ml/kg thức ăn.
+ Chiều 17-18h: Lactozyme 5g+ Canxiphot 5ml/kg thức ăn.
b. Quản lý môi trường ao nuôi:
Kiểm tra pH, độ trong 2 lần/ngày vào lúc 7h và 15h, kiểm tra độ kiềm, NH3 ngày/lần để điều chỉnh cho phù hợp.
Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng, do đó nên duy trì độ kiềm 120 mg/l trở lên bằng cách sử dụng:
Giai đoạn tôm nuôi từ: 25-45 ngày tuổi mỗi ngày tạt 3kg/1.000m3 nước, Cách 03 ngày/lần tạt thêm Elecamin 1l/1.000m3 nước.
Giai đoạn tôm nuôi từ: 45-60 ngày tuổi: mỗi ngày tạt 3-4kg/ 1.000m3 nước, cách 03 ngày/lần tạt thêm Elecamin 2l/1.000m3 nước.
Giai đoạn tôm nuôi 61-90 ngày tuổi: cách ngày tạt 4kg/1.000m3 nước.
Lưu ý: Giai đoạn từ 45-90 ngày tuổi chu kỳ lột của tôm cách nhau từ 8-9 ngày nhưng do tôm lột không đồng nhất:
Ngày thứ 01: ngày bắt đầu lột thì tôm lột được khoảng 15-20%.
Ngày thứ 02: tôm lột khoảng 20-30%.
Ngày thứ 03: tôm lột khoảng 40-50%.
Ngày thứ 04: tôm lột khoảng 15-20%.
Ngày thứ 05: số tôm còn sót lại sẽ lột gần hết.
Do đó, cần bổ sung khoáng đầy đủ cho tôm.
* Tôm bị đục thân, cong thân:
Khoáng tạt 4 kg/1.000m3 nước kết hợp với 2l Elecamin liên tục đến khi kiểm tra thấy hết bị cong thân, đục cơ thì ngưng tạt, sau đó, Khoáng tạt sử dụng theo hướng dẫn trên.
Định kỳ 7-10 ngày/lần cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi: Vime-Bitech 1kg ủ với 3-5kg mật rỉ đường + 60-100l nước sạch rồi ủ khoảng 4-6h rồi tạt xuống ao nuôi hoặc Pond VS: 2l/1.000m3 nước
Khi cần chăm nước thêm thì lấy nước từ ao lắng đã xử lý Chlorine liều 30 kg/1.000 m3 ( kiểm tra hết dư lượng Chlorine) bơm vào ao ương (qua túi lọc).
c. Thu hoạch và bảo quản:
Khi tôm đạt kích cỡ 100 con/kg có thể thu tỉa hoặc san thưa với mật độ nuôi còn lại là dưới 100 con/m3 nước, để có thể nuôi tôm về size lớn hơn đạt kích cỡ thương phẩm 20-30 con/kg.
*Chuẩn bị thu hoạch:
Trước khi quyết định thu hoạch cần thống nhất giá cả và thời gian giao nhận sản phẩm với cơ sở thu mua. Các dụng cụ phục vụ thu hoạch (lưới, vợt, rổ đựng, đòn khênh...) phải đầy đủ và đang trong tình trạng hoạt động tốt.
Chọn thời điểm tôm có giá tốt khi tôm đạt kích cỡ để thu hoạch. Trước khi thu hoạch theo dõi chu kỳ lột xác của tôm, tránh thu tôm khi đang trong chu kỳ lột xác.
*Thu hoạch và bảo quản:
Thu hoạch và vận chuyển tôm vào thời điểm trời mát (sáng sớm hoặc chiều mát); tránh làm tôm bị dập nát; bảo quản lạnh và thời gian vân chuyển đến nơi sơ chế, chế biến đảm bảo yêu cầu.
Người thu hoạch phải thực hiện vệ sinh cá nhân đúng quy định trước khi tham gia vào hoạt động thu hoạch, vận chuyển tôm thương phẩm.
Các dụng cụ thu hoạch, phương tiện vận chuyển chuyên dùng phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi sử dụng.
III. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH TRÊN TÔM THẺ CHÂN TRẮNG
1. Bệnh chậm lớn do vi bào tử trùng trên tôm:
1.1. Mầm bệnh:
Do vi bào tử trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP), thuộc nhóm ký sinh trùng.
Vi bào tử trùng thường được tìm thấy trong nguồn nước ao nuôi, xâm nhập vào gan, tụy của tôm.
Khi tôm bị stress do môi trường ao nuôi xấu hoặc thời tiết biến động nhiều, vi bào tử sẽ tấn công gan, tụy làm tôm mắc bệnh chậm lớn. Sau đó bệnh lây truyền dần sang các tôm khác trong ao khiến cả ao tôm đều mắc bệnh.
1.2. Cách lây truyền:
Lây từ tôm bố, mẹ ở trại giống: tôm bố, mẹ nhiễm bệnh do thức ăn (giun nhiều tơ, hào, nghêu..) chứa ký sinh trùng EHP. Từ đó lây qua tôm giống (post).
Mầm bệnh có trong ao nuôi lây qua tôm sau khi thả nuôi:
Do khâu chuẩn bị ao không kỹ.
Vi bào tử trùng đề kháng rất mạnh với thuốc sát trùng thông thường. Chỉ bị diệt khi dùng Chlorine ở mức 100ppm.
Phương pháp diệt vi bào tử trùng trong nước bằng Chlorine là duy trì liên tục hàm lượng Chlorine (hoạt chất, thường khoảng 79%) 20mg/l trong suốt 12.75 giờ.
Ví dụ: hàm lượng Chlorine hoạt chất yêu cầu là 15.300mg/l-phút, nếu hàm lượng hoạt chất cho nước cần xử lý là 25ppm hay 25mg/l. Ta lấy 15.300:25= 612 phút- là thời gian cần duy trì hay là 10,2 giờ. Lưu ý đây là lượng hoạt chất Chlorine, do đó lượng Chlorine phải sử dụng để có 25ppm hoạt chất trong nước cần là 25/0,75=33,3mg/l hay 33,3kg/1.000m3 nước (giả sử Chlorine có 75% hoạt chất)
Do đó cần duy trì cần duy trì liều lượng Chlorine trong khoảng thời gian đủ lâu để có thể diệt vi bào tử trùng như mong muốn.
Điều này yêu cầu chúng ta phải đo hàm lượng Chlorine trong môi trường xử lý và bổ sung thêm nhiều lần nếu cần để duy trì hàm lượng Chlorine này.
Nếu hàm lương Chlorine thực tế cao hơn 25ppm thì thời gian ngắn hơn. Có thể tính theo công thức: hàm lượng hoạt chất chlorine ( mg/l) x thời gian duy trì ( phút): pH=7,5 hoặc thấp hơn sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Nếu nước có hàm lượng chất hữu cơ cao sẽ phải sử dụng hàm lượng Chlorine nhiều hơn.
1.3. Triệu chứng:
Tôm sau thả nuôi 20 ngày trở lên rất chậm lớn. Sau khi tôm đạt trọng lượng 3-4 g/con, tôm chậm lớn dần rồi có thể dừng lớn hẳn.
Tôm nuôi 90-100 ngày tuổi vẫn có thể chỉ đạt cỡ 4-5g/con.
1.4. Chuẩn đoán bệnh:
Dựa vào triệu chứng tôm không lớn sau khi thả nuôi 20 ngày.
Gởi mẫu đến phòng thí nghiệm kiểm tra:
Dùng phương pháp nested PCR và phương pháp LAMP. Phương pháp này chính xác nhưng khá đắt tiền.
Phương pháp nhuộm màu tiêu bản vi thể: Phương pháp này khó thực hiện do bào tử kích thước nhỏ hơn 1 micron, nên chỉ quan sát được rất ít mặc dù mẫu bị nhiễm cường độ nặng, độ chính xác không cao.
1.5 Kiểm soát dịch bệnh:
a. Đối với trại tôm giống:
Tôm bố, mẹ sạch bệnh và không nhiễm EHP.
Trước khi đưa vào cho sinh sản phải kiểm tra tôm bố mẹ, (mẫu phân) bằng phướng pháp nested PCR, nếu âm tính mới sử dụng.
Không sử dụng động vật sống (ví dụ như: giun nhiều tơ sống, nghêu, sò,..) để làm thức ăn cho tôm bố, mẹ.
Nếu sử dụng động vật sống làm thức ăn cho tôm:
Nên đông lạnh trước khi cho tôm ăn.
Sau khi đông lạnh phải sấy nhiệt độ 70oC trong 10 phút để diệt các loại virus (đông lạnh lâu không thể diệt virus)
Hoặc sau khi đông lạnh, chiếu xạ tia gamma để diệt mầm bệnh.
b. Trường hợp trại tôm giống nhiễm EHP:
Tất cả tôm phải được loại bỏ từ các trại sản xuất giống.
Tất cả các thiết bị, vật dụng ( các bộ lọc, bể chứa nước, ống nước, dây sục khí,.. trong trại phải được tiệt trùng bằng dung dịch sút 2,5% ( NaOH 25g/l nước ngọt). Trong 3 giờ, sau đó rửa sạch lại.
Sau khi tiệt trùng, toàn bộ trang trại phải được phơi nắng hoặc làm khô trong 7 ngày.
Sau đó, toàn bộ nền (sàn) trang trại được rửa lại bằng dung dịch Chlorine 200ppm.
c. Đối với người nuôi tôm:
Xét nghiệm PCR tôm post đối với các bệnh: EMS, Đốm Trắng, EHP…
Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ sau vụ nuôi, đặc biệt khi vụ trước đã xuất hiên EHP.
Do bào tử của EHP có vỏ dày, Chlorine với hàm lượng cao cũng không diệt được bào tử EHP do đó nên xử lý bằng vôi sống trong quá trình cải tạo ao trước khi thả.
1.6. Dùng vôi để diệt bào tử EHP:
Dọn sạch mùn bã trong ao.
Phơi ao cho khô (10-15 ngày).
Cày xới sâu khoảng 10-12 cm.
Bón vôi CaO khắp đáy ao, liều 6 tấn/ha.
Sau đó, phơi ao thêm 1 tuần trước khi lấy nước.
Sau khi dùng vôi CaO, pH đất sẽ tăng lên rất cao ( có khi >12), sau vài ngày pH sẽ trở lại bình thường khi nó hấp thu CO2 và trở thành dạng CaCO3.
Định kỳ dùng chế phẩm sinh học:
Pond max: 1kg/ 4.000-5.000 m3 nước.
Hoặc Vime-Bitech 1kg/2.000m3 nước.
Hoặc Pond Vs 2l/1.000m3 nước. Để cải tạo môi trường ao nuôi tốt.
1.7. Biện pháp xử lý khi bệnh xảy ra:
Diệt sạch tôm bệnh.
Xử lý nước ao bằng vôi sống CaO.
Tháo cạn nước và chuẩn bị ao nuôi từ đầu.
2. Hội chứng tôm chết sớm EMS:
Bệnh tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS) cũng còn gọi là chứng hoại tử gan - tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome – AHPNS) là bệnh thiệt hại nghiêm trọng cho tôm nuôi tại Việt Nam (cả tôm thẻ chân trắng lẫn tôm sú), dù là nuôi thâm canh hay bán thâm canh.
Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009, tại Việt Nam năm 2010, ở Malaysia và Thái Lan năm 2011 và ở Mexico năm 2013.
Năm 2010, Phòng nghiên cứu Bệnh học Thuỷ sản, Trường Đại học Arizona (Phòng nghiên cứu của GS. Donald Lightner - UAZ-AP) nghiên cứu và chỉ rõ nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân:
Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Vi khuẩn này đã bị nhiễm bởi một loại thể thực khuẩn làm cho chúng sinh ra một loại độc tố cực mạnh.
Vi khuẩn được lây truyền qua đường miệng, sau đó chúng xâm nhập vào đường tiêu hóa của tôm, tạo ra độc tố gây phá hủy mô và làm rối loạn chức năng của gan tụy, cơ quan tiêu hóa tôm.
Đây là nguyên nhân làm tôm chết sớm trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi thả, tỷ lệ tôm chết có thể lên tới trên 70%.
2.1. Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân bệnh hoại tử gan tụy:
Ban đầu, triệu chứng của bệnh không rõ ràng, tôm chậm lớn, bơi lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và rớt đáy. Sau đó tôm bệnh bị mềm vỏ, màu sắc tôm thay đổi, gan tụy mềm nhũn, teo lại hoặc sưng to.
Và trong quá trình nuôi, tôm bị nhiễm bệnh chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tôm chết dưới 35 ngày tuổi (có thể do con giống kém chất lượng nhiễm sẵn bệnh từ trại giống)
Giai đoạn 2: Tôm chết ở 35 – 60 ngày tuổi, tôm nhiễm bệnh do quản lý môi trường không tốt khiến ao xuất hiện các hiện tượng sau và dễ dẫn đến bệnh hoại tử gan tụy cấp tính:
Tôm bị bệnh đường ruột đặc biệt là tôm bị đi phân trắng, phân lỏng nhiều ngày.
Khí độc trong ao nhiều.
Tảo độc ở trong ao hiện diện và phát triển nhiều.
Thời tiết thay đổi đột ngột, pH trong ao thấp hoặc dao động trong ngày quá 0,5.
Hiện tượng phát sáng trong ao.
Ao ít diệt khuẩn hoặc sử dụng hóa chất kháng sinh nhiều trong quá trình nuôi.
2.2 Biện pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy:
Để phòng chống, cần áp dụng các biện pháp tổng hợp:
Chọn post chất lượng, từ các thương hiệu uy tín trên thị trường.
Đảm bảo tôm và môi trường, nguồn nước, dụng cụ, thiết bị trong trại giống phải sạch khuẩn.
Chuẩn bị và sát trùng ao cẩn thận trước khi thả nuôi: sên vét đáy ao, phơi nắng đáy ao (nếu có thể), sát trùng đáy ao. Xử lý diệt khuẩn nước vào thật cẩn thận.
Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, thức ăn không nhiễm nấm.
Quản lý môi trường ao nuôi tốt.
Hạn chế dùng các hóa chất, kháng sinh.
Loại bỏ các chất gây độc cho gan tụy tôm như các ion kim loại nặng
2.3. Biện pháp điều trị bệnh hoại tử gan tụy:
Khi phát hiện bệnh, bà con tiến hành xử lý như sau:
Tích cực thay nước khi tôm có dấu hiệu bệnh, nếu tảo phát triển mạnh thì dùng Kill-Algae 1l/1.000m3 nước hoặc Vime-parasite 1l/1.000m3 nước giảm tảo.
Giảm thức ăn còn khoảng 75%.
Tăng cường chạy quạt kết hợp với chạy oxy đáy.
Vệ sinh ao, xiphon, vớt tôm chết ra khỏi ao.
Trộn vào trong thức ăn:
Sáng: Vime-FDP 5ml/kg hoặc Cefocin plus 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5-7 ngày.
Trưa: Vime-Clean 5g/kg thức ăn ( cho ăn liên tục 3 ngày rồi ngưng) chuyển sang dùng Lactozyme 10g/kg thức ăn.
Trưa-chiều: Vime-FDP 5ml/kg hoặc Cefocin plus 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5-7 ngày.
Chiều: Organic 10g/kg thức ăn.
Cho ăn liên tục 5 ngày, thấy tôm giảm chết trên 90% thì ngưng không sử dụng thuốc. Sau đó bổ sung các sản phẩm vi sinh đường ruột, premix và khoáng chất cho tôm như:
Sáng: Lactozyme 10g/kg thức ăn.
Trưa: Canxiphot 7-10ml/kg thức ăn .
Trưa-chiều: Organic 10g/kg thức ăn.
NGUỒN : KS. Ngô Minh Luân - Vemedim Coporation
Tài liệu nội bộ thuộc sở hữu của Vemedim Corporation